Đời sống trong Tử Cấm thành Tử Cấm thành (Huế)

Vua

Làm việc

Vua làm việc tại chái đông điện Cần Chánh. Bên trong chái lót ván và trải chiếu hoa, xung quanh là cửa kính. Vua làm việc một mình, có vài thị nữ đứng hầu để lo mài son, thắp thuốc, dâng trà hay đi truyền lệnh vua. Chương sớ trong ngoài dâng lên nếu không quan trọng thì điện dụ cho các nha nghị chỉ phê phát, việc quan trọng thì nghị soạn bối chỉ, hoặc giao bản thảo, hoặc châu phê. Điện Cần Chánh là nơi vua tổ chức lễ thiết triều, ngoài ra là nơi vua tiếp đón các sứ bộ quan trọng hay tổ chức các buổi tiệc tùng trong những dịp khánh hỷ.

Ăn và ngủ

Tác giả Tôn Thất Bình trong "Đời sống trong Tử Cấm thành" ghi lại:

Vua Khải Định đang ngự thiện (dùng cơm) bữa trưa

Điện Càn Thành là nơi vua ăn ngủ. Thường lệ vua ăn mỗi ngày 3 bữa vào lúc 6h30; 11h và 17h, thức ăn do đội Thượng Thiện nấu. Thực đơn mỗi bữa chính gồm 50 món khác nhau, đời vua Khải Định lại chỉ có 35 món, mỗi món do một đầu bếp phụ trách, thức ăn đựng trong một bình kín, ngoài có nhãn ghi tên món ăn. Theo tiền lệ, vua chỉ ăn một mình và có 5 cung nữ phục vụ, riêng vua Duy Tân là vua đầu tiên phá lệ này, vua cho phép vợ là bà Mai Thị Vàng cùng ăn chung mâm, vua Bảo Đại cùng ăn chung với Nam Phương hoàng hậu và các hoàng tử, công chúa.

Hàng ngày, có 30 cung nữ được chọn để phục dịch đức vua, họ chia nhau canh gác xung quanh hậu cung và chỉ có năm người luôn ở cạnh vua, luân phiên săn sóc, trang điểm, thay quần áo, chải chuốt móng tay, xức dầu thơm, vấn khăn lụa..., 5 cung nữ này cũng là người lo hầu cơm nước cho vua. Khi vua "ngự ngơi" (nghỉ về ban ngày), 5 người này có phận sự riêng như quạt hầu, đấm bóp, têm trầu, vấn thuốc... một cung nữ chực đợi vua sai gì thì làm ngay và một cung nữ hát nhè nhẹ để ru vua ngủ.

Tiêu khiển

Vua Tự Đức thường chơi đầu hồ tại điện Cần Chánh, vua Duy Tân thì thường chơi đánh "lũ" với các cô em của bà phi. Thi thoảng vào chiều Chủ Nhật, vua Duy Tân lại cưỡi ngựa ra khỏi Tử Cấm thành ra tận các của thành như là Thượng Tứ, Nhà Đồ... Vua Thiệu Trị lại ưa danh lam thắng cảnh núi non, vua Minh Mạng lại ưa vùng biển, còn Tự Đức lại thích săn bắn...

Các vua triều Nguyễn thích xem hát bội (hát tuồng), vua Minh Mạng cho xây Duyệt Thị Đường trong Tử Cấm thành vào năm 1826, đây là nhà hát có quy mô lớn nhất trong các nhà hát tại hoàng cung. Để phục vụ riêng cho vua và hoàng phi xem hát tuồng, điện Cao Minh Trung Chính (dựng năm Gia Long thứ 3, 1804) đã dành hiên phía đông của điện để làm nơi biểu diễn gọi là "viện Tĩnh Quan". Vua Thành Thái là người thường xem diễn tuồng nơi đây, vua không chỉ là người đánh trống chầu giỏi mà đôi lần, vua còn lên sân khấu để diễn tuồng với vai "Thạch Giải" (tuồng Xảo Tống).

Hậu phi

Xem thêm thông tin: Hậu cung nhà Nguyễn

Trong Tử Cấm Thành, điện Khôn Thái từng là nơi ở của Thừa Thiên Cao Hoàng hậu, từ sau khi Vua Hiệp Hòa cho đón mẹ ruột Trương Thị Thận vào với tư cách Hoàng thái phi, thì không còn Hậu phi triều Nguyễn nào trú tại đây nữa. Điện chính của Khôn Thái là điện Cao Minh Trung Chính được xây năm 1804 tức năm Gia Long thứ 3, chính tịch 7 gian, Tiền tịch và Hậu tịch đều 9 gian, điện làm theo kiểu "trùng thiềm trừng lương", lợp ngói âm dương. Điệng Khôn Thái ở vị trí ngay sau lưng điện Càn Thành.

Về cơ bản, Hậu phi triều Nguyễn được chia trong khu vực 6 viện sở, được gọi là Lục viện (六院), bao gồm: Thuận Huy viện (順徽院); Đoan Thuận viện (端順院); Đoan Hòa viện (端和院); Đoan Huy viện (端徽院); Đoan Trang viện (端莊院) và Đoan Tường viện (端祥院). Từng có hiểu lầm phổ biến trong thời gian dài rằng các viện sẽ là nơi ở cố định của một cấp, rồi điện Trinh Minh dành cho tước Phi,... đây đều xuất phát từ "Thân phận và nếp sống các bà trong nội cung nhà Nguyễn" của Phan Văn Dật trên Số 16 (T.12-1985) của Tạp chí sông hương, về sau được các tác giả khác đưa vào dẫn chứng. Thực tế rằng, các phi tần ở Nội đình đều chia nhau ra sống trong Lục viện, bất kể giai cấp hay địa vị. Điều này thể hiện không chỉ qua việc Nội vụ phủ cung cấp đồ cho Nội đình chỉ vỏn vẹn "6 viện", lễ sách phong cung giai cũng đề cập chuyện "cầm cờ Tiết đến các Quý viện theo nghi lễ", mà còn thông qua bài phỏng vấn trực tiếp Diệu phi Mai Thị Vàng trên Tạp chí Sông Hương vào năm 1936[4].

Cuộc sống, công việc của các Hậu phi trong Tử Cấm Thành tương đối nhàn hạ, no đủ về vật chất tuy nhiên địa vị phụ thuộc cấp bậc của mình và sự yêu mến của nhà Vua. Trong thời gian mới thu nhận vào Tử Cấm Thành, họ phải tập trung học mọi phép tắc, luật lệ, nghệ thuật xử thế, các điều cấm kị, học nghệ thuật phục vụ nhà Vua, ăn nói đi đứng cũng đều là những chuyện cần chú ý. Các Hậu phi may mắn được phục vụ và được nhà Vua yêu mến sẽ được tấn phong đến chức Cung giai cao nhất, tuy nhiên số này hiếm hoi, phần đông phải chịu thân phận bỏ rơi trong Lục viện. Kể từ khi được tuyển hay tiến cung, các Hậu phi không được gặp cha mẹ, người thân trừ một vài trường hợp đặc biệt được nói chuyện với mẹ qua bức màn sáo che, còn người cha phải đứng ngoài sân. Khi xưa, "Đưa con vô nội" là câu nói người Huế với hàm ý như đã mất con rồi. Trong triều Nguyễn, có 2 lần Hậu phi được thoát khỏi Tử Cấm thành, lần thứ nhất vào năm Minh Mạng thứ sáu (triều đình cho ra 100 người để giải trừ thiên tai) và năm 1885, khi kinh đô thất thủ, tất cả cung phi đều chạy thoát ra khỏi hoàng thành[5].

Thái giám

Thái giám triều Nguyễn

Trong Tử Cấm thành, thái giám lo việc tổ chức quản lý cung tần mỹ nữ nơi hậu cung. Công việc của họ là hầu hạ nhà vua trong các việc liên quan đến chuyện gối chăn, thái giám lo sắp xếp thứ tự, lên danh sách các phi tần và sắp xếp giờ để vua gặp gỡ, ghi chép lại danh tánh các bà phi đó cùng với giờ giấc, ngày tháng cẩn thận để sau này nếu bà phi có con với vua sẽ được xác nhận. Một số thái giám khác được điều sang phục dịch, hầu hạ các cung phi goá bụa của vua đời trước tại các lăng tẩm nhưng chố ăn, ở và phục dịch thường xuyên của họ vẫn là Tử Cấm thành. Để phân biệt, thái giám được cấp trang phục riêng bằng lụa xanh dệt hoa trước ngực, đội một thứ mũ cứng hoặc khăn đóng. Khi sống, họ lo phục dịch trong Tử Cấm thành hoặc lăng tẩm, khi già yếu, họ buộc phải rời Đại Nội, ra dưỡng bệnh hoặc nằm chờ chết tại một tòa nhà ở phía bắc Hoàng thành, đó là cung Giám Viện.